Bộ trưởng gặp chàng trai chế tạo thiết bị bay
http://baogiaoducthoidai.blogspot.com/2015/04/bo-truong-gap-chang-trai-che-tao-thiet-bi-bay.html
Báo giáo dục - Chiều 3/4, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cùng nhiều chuyên gia hàng đầu về hàng không vũ trụ gặp đã có buổi gặp Phạm Gia Vinh, 32 tuổi người thiết kế, chế tạo thành công thiết bị bay cao 23km.
Phạm Gia Vinh (32 tuổi), sinh viên ngành Điện, Điện tử công nghiệp – Điều khiển tự động một trường đại học ở Pháp, nay là giám đốc Cty Cổ phần Nghiên cứu & Phát triển Đông Giang Việt Nam, chủ nhiệm CLB máy bay mô hình phía Bắc.Thiết bị bay tầng bình lưu 23km đã gây tiếng vang trong giới khoa học công nghệ.
Phạm Gia Vinh bên cạnh sản phẩm có trần bay 23 km do anh nghiên cứu, chế tạo. (Ảnh: NVCC)
Nắm được thông tin, theo Gia Vinh lãnh đạo Bộ KHCN đã trực tiếp liên hệ và có buổi gặp gỡ với anh.
Gia Vinh cho biết trong buổi gặp gỡ các nhà khoa học hàng đầu về hàng không vũ trụ đã có những câu hỏi, chia sẻ thẳng thắn đối với anh và nhóm bạn trẻ thực hiện thiết bị bay này.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Hàng không – Vũ trụ Việt Nam cho rằng cái mới của thiết bị bay do công ty Đông Giang chế tạo là khoang đổ bộ có khả năng thu hồi chính xác. Tuy nhiên, đây là sản phẩm đặt hàng của một Cty Singapore. Ông đặt câu hỏi việc sở hữu trí tuệ của thiết bị này như thế nào.
Gia Vinh cho biết, hợp đồng giữa Đông Giang và công ty của Singapore có nhiều điều khoản liên quan đến việc này. Công nghệ nền khinh khí cầu thì chung của thế giới. Phía Đông Giang chỉ đăng ký sở hữu trí tuệ với phần khoang đổ bộ do công ty thiết kế, chế tạo.
Tại thị trường Việt Nam, Đông Giang sẽ chịu trách nhiệm với sản phẩm này, ở thị trường khác thì chia sẻ quyền lợi. Tuy nhiên, bên Singapore không có khả năng triển khai công nghệ này vì diện tích nhỏ nên chúng cháu xác định sử dụng ở Việt Nam rất nhiều.
Đánh giá về thiết bị bay do Phạm Gia Vinh và Cty Đông Giang chế tạo, các chuyên gia đều cho rằng đây là một hướng đi tích cực, cần được hỗ trợ.
Trong chương trình phát triển vũ trụ 2016-2020 Việt Nam có xác định một số sản phẩm như vệ tinh nhỏ. Sản phẩm của Phạm Gia Vinh mở ra cơ hội để đưa các sản phẩm này lên vũ trụ thử nghiệm.
Tại buổi gặp, Gia Vinh cho biết Bộ trưởng Nguyễn Quân sẽ sẵn sàng hỗ trợ tối đa và hỏi về nhóm bạn có kiến nghị gì không.
Anh cho biết mong muốn của nhóm là mang công nghệ về trình diễn trong nước càng sớm càng tốt và mong Bộ KHCN có thể đứng ra chủ trì việc này. Nhóm đã tìm được hai địa điểm bay trình diễn ở Bình Dương, Biên Hòa.
Bộ trưởng Quân cho biết, đúng là hành lang pháp lý chưa đầy đủ nhưng có thể có một nghị định riêng để tạo điều kiện cho việc bay của nhóm. Bộ trưởng gợi ý thay vì mang về Việt Nam chỉ để thử nghiệm hãy gắn một công việc cụ thể như sắp vào mùa bão, đưa thiết bị lên để quan sát diễn biến, đường đi của bão xem sao.
Phạm Gia Vinh cho biết, sẽ tìm mục đích cụ thể cho lần bay sắp tới. Trao đổi thêm về việc này với VietNamNet, Gia Vinh cho bết hướng đi sắp tới của nhóm có thể sẽ đưa hệ thống camera độ phân giải cao, hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh phục vụ cho việc chụp độ phủ xanh của nguồn rừng và chụp ảnh viễn thám.
Để có thể bay trình diễn, công ty của Gia Vinh sẽ làm việc với Bộ Quốc Phòng cùng Bộ KHCN để xin cơ chế cho việc này, hi vọng tháng 6/2015 thiết bị của nhóm sẽ được cất cánh bay tại Việt Nam.
Theo Vietnamnet.vn