Thánh Gióng có quyền tắm ở Hồ Tây

Giáo dục - Câu chuyện "Thánh Gióng tắm Hồ Tây" trong sách Hướng dẫn học tiếng Việt lớp 5 tập 2A của NXB Giáo dục đang khiến dư luận tranh cãi vì cho rằng bóp méo truyền thuyết.


Ảnh: Tin nong

Trong đoạn văn được trích đưa vào sách để hướng dẫn các em học tiếng Việt, nhà văn Nguyễn Đình Thi viết đại ý rằng ông nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương và tưởng tượng ra một trang nam nhi sức vóc khác người nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa.
Và chi tiết gây tranh cãi nhất là ở chỗ nhà văn viết "người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau của mình mà chết".
Cần lưu ý rằng đoạn trích trên không được đưa ra để hướng dẫn học sinh hiểu thêm về truyền thuyết Thánh Gióng mà với mục đích là giúp các em biết cách sử dụng các từ ngữ thay thế trong một đoạn văn.
Và thêm nữa, đoạn trích trên có một từ khóa rất quan trọng, đó là cụm từ "tôi tưởng tượng ra" mà nhà văn Nguyễn Đình Thi đã sử dụng để đặt vào đầu câu, tất cả những chi tiết như "ăn một bữa cơm", "nhảy xuống Hồ Tây" tắm, "ôm vết thương lên ngựa"… Vậy thì sự việc đoạn trích trên trong sách giáo khoa bị đem ra "ném đá" và vu cho tội "bóp méo huyền thoại Thánh Gióng" liệu có bị oan không?
Thứ nhất, những người làm sách không đưa đoạn trích này vào để hướng dẫn các em đọc hiểu về truyền thuyết Thánh Gióng. Thứ hai, quyền tưởng tượng về một nhân vật lịch sử là quyền của tất cả mọi người, trong đó có nhà văn Nguyễn Đình Thi. Tại sao chúng ta lại tự cho mình cái quyền được nhảy vào chỉ trích những hình ảnh huyền ảo trong trí tưởng tượng của người khác?
Thánh Gióng có quyền được tắm ở Hồ Tây không? Có chứ, và ở tất cả những sông biển hồ nào trên thế giới, miễn là chúng ta tưởng tượng ra điều đó. Không ai có quyền phán xét điều đó là "bóp méo huyền thoại Thánh Gióng cả".
Sự rập khuôn trong suy nghĩ, sự tuân theo lối mòn một chiều là thủ phạm triệt tiêu sự sáng tạo của con người. Việc ào ào "ném đá" một đoạn văn ghi lại sự tưởng tượng của nhà văn chỉ vì ông dám nghĩ khác đi về một nhân vật trong truyền thuyết là một hiện tượng cần được xem xét kỹ lưỡng. Liệu dư luận làm thế đã đúng hay chưa, hay lại là một ca "bỏ bóng đá người"?
Việc đưa đoạn trích này vào sách giáo khoa cũng không phải là điều gì tội lỗi nếu các thầy cô giáo và các em học sinh cùng lưu ý đến cụm từ "tôi tưởng tượng" mà nhà văn đã viết.
Thánh Gióng không bay về trời, Thánh Gióng xuống tắm ở Hồ Tây. Đó là quyền tưởng tượng của mỗi người và điều đó không hề ảnh hưởng đến truyền thuyết của dân tộc.

Related

Giáo dục 1312506590023971890

Đăng nhận xét

emo-but-icon

/suc-khoe

Bài đọc nhiều

item