Kỳ thi THPT quốc gia: Lo lắng nơi 'chặt', nơi 'lỏng'
http://baogiaoducthoidai.blogspot.com/2015/03/ky-thi-thpt-quoc-gia-lo-lang-noi-chat-noi-long.html
Giáo dục - Việc Bộ GD&ĐT ban hành các quy chế thi THPT quốc gia đã giúp dư luận thí sinh, phụ huynh và cả giáo viên trút bỏ gánh nặng tâm lý đợi chờ.
Học sinh THPT Nguyễn Trãi Hà Nội trước giờ thi tốt nghiệp, năm 2014. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Để xét tốt nghiệp: nhiều nội dung có lợi cho học sinh
Theo dư luận học sinh của nhiều trường THPT ở Hà Nội, phần lớn các em đều vui mừng sau khi đọc quy chế thi THPT quốc gia. "Quy chế ban hành hơi muộn, may mà trước đó Bộ GD&ĐT cho biết sẽ lùi thời gian thi (từ 12/6 sang 1/7) nên chúng em không mất bình tĩnh lắm. Có một số nội dung ở dự thảo quy chế khiến các bạn em hơi lo, về sau thấy trên báo tranh luận nhiều, chẳng hạn như về thang điểm 20, nên cũng phấp phỏng hy vọng Bộ sẽ nghĩ lại.
Cuối cùng thực tế diễn ra đúng như chúng em mong chờ, kỳ thi sẽ vẫn dùng thang điểm 10 như bình thường nên bạn nào cũng rất vui", Nguyễn Thị Thu Hiền, học sinh lớp 12A12, Trường THPT Cao Bá Quát - Gia Lâm, Hà Nội nói.
Tuy nhiên, cũng với thông tin Bộ GD&ĐT chính thức sử dụng thang điểm 10 thay cho thang điểm 20 như trong dự thảo trước đây, một số giáo viên tỏ ra lo lắng về mức độ phân hóa học sinh không cao của kỳ thi trong bối cảnh một kỳ thi hai mục đích. Theo các thầy cô, khi Bộ đưa ra dự thảo dùng thang điểm 20, các trường cũng đã sẵn sàng cho thay đổi này.
"Nếu chỉ để xét điểm tốt nghiệp THPT thì không nói làm gì, còn để sử dụng kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ thì tôi thích thang điểm 20, bởi nó chi tiết và phân hóa mức điểm của thí sinh dễ dàng hơn. Giờ đây Bộ đã dùng thang điểm 10 thì tôi chỉ mong sao chất lượng đề thật tốt, đảm bảo phân hóa thí sinh một cách sâu sắc để kỳ thi đạt được sự công bằng cho các thí sinh", cô Mã Thị Tới, giáo viên Trường THPT Trương Định, Hà Nội nói.
Tuy nhiên, cô Tới cũng cho rằng, nhìn chung các nội dung trong quy chế mà Bộ vừa ban hành đều có lợi cho học sinh, đặc biệt là quy chế thi THPT quốc gia. "Tôi rất vui vì Bộ đã đưa nội dung cho phép thí sinh sử dụng Atlat địa lý trở lại vào quy chế. Với giáo viên môn Địa lý chúng tôi, Atlat là một công cụ dạy học rất hữu ích, rèn giũa và khai thác được nhiều kỹ năng cho học sinh, đặc biệt là hình thành cho học sinh tư duy địa lý khi giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội.
Nếu bỏ Atlat, rất dễ khiến môn Địa lý chỉ đơn thuần là môn thuộc lòng. Khi Bộ có dự định bỏ Atlat, nhiều học sinh rất hoang mang, đặc biệt là những em dự định thi khối D. Việc Bộ cho đưa Atlat Địa lý vào phòng thi sẽ khiến các em rất vui", cô Tới nhận xét.
Làm sao đảm bảo sự nghiêm túc đồng đều?
Theo quy chế, kỳ thi THPT quốc gia sẽ có hai hình thức cụm thi, một do các trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD&ĐT; một do các Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH. Do hiện nay chưa có hướng dẫn tổ chức kỳ thi cũng như Bộ chưa thông báo cụ thể thông tin về các cụm thi nên đây là một nội dung khiến nhiều phụ huynh, học sinh và giáo viên băn khoăn nhiều nhất trong mấy ngày qua. "Về việc thi cụm, mỗi bạn hiểu theo một cách.
Bạn thì nói ai đăng ký vào trường ĐH nào thì đến đấy dự thi; bạn thì bảo Bộ sẽ tổ chức thành từng cụm như trước đây Sở GD&ĐT đã từng làm, nghĩa là gộp học sinh các trường THPT gần nhau thành một cụm và chọn một trường THPT nào đó làm địa điểm thi", em Nguyễn Thị Thu Hiền, học sinh Trường THPT Cao Bá Quát - Gia Lâm, Hà Nội cho biết.
"Học sinh của tôi rất lo lắng về sự khác nhau giữa mức độ nghiêm túc của các cụm thi ở Hà Nội với những tỉnh khác. Cả nước có hàng chục cụm thi, chỉ cần một vài cụm thi tổ chức coi thi lỏng lẻo sẽ tạo nên sự bất công rất lớn cho cả triệu thí sinh trong cả nước". Cô giáo Mã Thị Tới, Trường THPT Trương Định, Hà Nội
Theo một nhóm học sinh lớp 12A10 Trường THPT Trương Định, Hà Nội thì rất nhiều bạn không hiểu tại sao lại phải có hai hình thức cụm thi! Có nhiều học sinh tưởng rằng với những môn thi để lấy kết quả tốt nghiệp, học sinh sẽ thi tại cụm do Sở GD&ĐT chủ trì; với những môn thi thêm để xét tuyển ĐH, CĐ, học sinh sẽ tới trường ĐH để dự thi.
"Vì thế mà những bạn này thắc mắc, liệu kết quả các môn thi tại cụm do Sở GD&ĐT chủ trì có được dùng để xét vào ĐH cùng với các môn thi khác mà chính các bạn ấy đã làm tại cụm do trường ĐH chủ trì không? Về sau có một cô giáo giải thích rằng học sinh cụm do trường ĐH chủ trì sẽ tổ chức thi cả 8 môn, chỉ có bạn nào không có nhu cầu xét ĐH, CĐ thì mới thi tại cụm do Sở GD&ĐT chủ trì, những bạn có nhu cầu xét ĐH, CĐ đều thi tất cả các môn ở cụm do trường ĐH chủ trì. Nhưng khi các bạn hỏi lại, nếu chúng em vừa muốn đăng ký xét tuyển theo khối D vào trường Học viện Báo chí tuyên truyền, vừa muốn xét tuyển theo khối C vào Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân thì chúng em sẽ dự thi ở cụm do trường ĐH nào chủ trì thì cô giáo không trả lời được", nhóm học sinh này kể.
Theo chị Phạm H., phụ huynh em Lê Ph.Q học sinh lớp 12 chuyên Hoá, Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam thì các thông tin về thi cụm hiện nay chưa rõ ràng khiến nhiều phụ huynh rất lo lắng: "Nếu chỉ để xét tốt nghiệp THPT không thôi thì không sao, đằng này kết quả còn để xét vào ĐH, CĐ- một việc rất hệ trọng trong cuộc đời các cháu!
Trước đây các cháu muốn vào trường ĐH nào thì đến trường đó thi, vì thế những cháu có một mục tiêu (nguyện vọng 1) đều có chung một môi trường thi cử để cạnh tranh. Còn giờ đây những cháu cùng một mục tiêu lại ngồi thi tản mát khắp nơi trong khi việc đạt được tính nghiêm túc đồng đều giữa các cụm thi là điều rất khó".
Chị Phạm H. đề xuất, Bộ nên để tất cả các trường ĐH chủ trì tổ chức cụm thi cho những học sinh có nhu cầu xét tuyển ĐH, CĐ. Em nào đăng ký xét tuyển vào trường nào thì phải đến trường đó dự thi. Trong tình huống một em muốn thi cả 8 môn để đăng ký vào 4 trường theo 4 khối thi khác nhau thì em đó có thể đề xuất địa điểm ưu tiên từ 1 đến 4, căn cứ vào đó Bộ GD&ĐT sẽ bố trí để giúp cho số lượng thí sinh dự thi tại một số trường nào đó không quá đông.