Nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng môn năng khiếu để sàng lọc thí sinh

Ngoài 8 môn thi của Bộ ấn định trong kì thi THPT quốc gia, nhiều trường ĐH, CĐ tổ chức thi tuyển các môn năng khiếu như hội họa, múa, hát, diễn kịch,...


Nhiều trường ngoài lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia còn xét tuyển dựa trên năng khiếu để sàng lọc thí sinh.

Ngoài việc sử dụng kết quả của kì thi THPT quốc gia để tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ tùy thuộc các ngành đặc thù của trường mình có thể có thêm các hình thức kiểm tra năng lực khác.

Trong đó các trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao... sẽ tổ chức thi năng khiếu (việc này đã được thực hiện trong những năm gần đây) theo phương thức được quy định rõ trong Đề án tuyển sinh riêng của trường.

Mới đây, trường ĐH Y Dược TP.HCM công bố phương án tổ chức thi thêm năng khiếu.

Khi xét tuyển từng ngành cụ thể, nếu một ngành có quá nhiều thí sinh có tổng điểm 3 môn bằng nhau, trường áp dụng các tiêu chí phụ: xét ưu tiên thí sinh có điểm thi môn hóa (đối với ngành dược) và sinh (đối với các ngành còn lại) cao hơn.

Nếu vẫn đồng điểm nhau, trường xét tiếp đến tiêu chí điểm trung bình các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia để lấy từ cao xuống thấp. Trong trường hợp vẫn còn quá nhiều thí sinh bằng điểm nhau, trường xét tiếp đến tiêu chí điểm trung bình 3 môn toán, sinh, hóa năm lớp 12.

Đặc biệt, riêng ngành kỹ thuật phục hình răng, sau khi sơ tuyển chọn ra 100 thí sinh từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia (3 môn toán, hóa, sinh), trường sẽ tổ chức thi năng khiếu tập trung để chọn ra 20 thí sinh trúng tuyển chính thức.

Trường xét tuyển từ ngày 16/7 đến 15/8, riêng môn năng khiếu ngành kỹ thuật phục hình răng thi vào 31/7.

Năm nay, trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền thi đầu vào sẽ tổ chức thi thêm môn năng khiếu.

Cụ thể, thí sinh dự tuyển vào nhóm ngành báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ phải làm bài kiểm tra môn năng khiếu báo chí.

Đây là điểm khác biệt nhất trong đề án tuyển sinh năm 2015 của trường này.

Bài thi này chỉ áp dụng với thí sinh thi vào nhóm ngành Báo chí. Bài thi năng khiếu gồm hai phần, thi trắc nghiệm và thi tự luận, thời gian làm bài là 150 phút. Thời gian thi năng khiếu dự kiến là ngày 9/7/2015, sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Phần thi trắc nghiệm kiểm tra kiến thức một số môn học phù hợp với ngành đăng ký dự thi của thí sinh, thời gian làm bài là 60 phút.

Phần này chiếm 40% trọng số của bài thi. Phần thi tự luận dài 90 phút, chiếm tỷ trọng 60% điểm số của bài thi Năng khiếu.

Đề thi sẽ không mang tính chất đánh đố mà để kiểm tra kỹ năng quan sát, nhìn nhận vấn đề, tư duy cũng như diễn đạt của học sinh.

Bài thi Năng khiếu báo chí không hoàn toàn mới với Học viện Báo chí và Tuyên truyền bởi từ năm 2003 trở về trước, trường vẫn tổ chức bài thi này khi tuyển sinh.

Theo Giám đốc Học viện Trương Ngọc Nam, việc yêu cầu thí sinh thi môn Năng khiếu báo chí góp phần tuyển chọn thí sinh đủ năng lực học tập tốt theo mục tiêu đào tạo của ngành, mặt khác sẽ hạn chế số lượng hồ sơ ảo.

Bên cạnh việc khôi phục bài thi Năng khiếu báo chí, có khá nhiều điểm mới so với kỳ tuyển sinh các năm trước như về tổ hợp môn thi, ngưỡng xét tuyển hồ sơ.

Cụ thể, thí sinh tham dự xét tuyển phải có kết quả xếp loại học lực hai học kỳ lớp 11 và học kỳ một lớp 12 từ trung bình khá trở lên, hạnh kiểm ba học kỳ này đạt từ loại khá trở lên.

Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của thí sinh phải xếp loại trung bình khá trở lên.

Không quy định cứng các môn xét tuyển theo khối thi như những năm trước, các môn xét tuyển năm 2015 khá linh động, tùy theo từng nhóm ngành, gồm môn bắt buộc và môn tự chọn.

Nhóm một là ngành Báo chí, môn bắt buộc là ngữ văn và Năng khiếu báo chí. Thí sinh tự chọn một trong các môn toán, lịch sử, tiếng Anh.

Nhóm hai gồm các ngành Triết học, Kinh tế, Lịch sử, Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, Chính trị học, Xuất bản, Xã hội học, Công tác xã hội. Với nhóm ngành này, môn bắt buộc là ngữ văn và toán, thí sinh chọn một trong các môn lịch sử, địa lý, tiếng Anh.

Nhóm ba gồm các ngành Quan hệ quốc tế, Quan hệ công chúng, Quảng cáo, Ngôn ngữ Anh. Các môn bắt buộc gồm ngữ văn và tiếng Anh, trong đó điểm môn tiếng Anh sẽ nhân hệ số 2. Thí sinh chọn thêm một trong các môn toán, lịch sử, địa lý để xét tuyển.

Trường xác định điểm chuẩn theo nhóm ngành, lấy từ cao xuống thấp. Trong trường hợp có nhiều thí sinh có điểm bằng nhau sẽ xét tuyển thí sinh có điểm môn ưu tiên cao hơn. Môn ưu tiên với nhóm một là Năng khiếu báo chí.

Nhóm 2 và 3 dựa trên điểm trung bình chung ba học kỳ (hai học kỳ lớp 11 và học kỳ một lớp 12), trong đó môn ưu tiên của nhóm 2 là lịch sử, của nhóm 3 là tiếng Anh.

Phương Nam / skcd.com.vn

Related

Tuyển sinh 4826928499419365997

Đăng nhận xét

emo-but-icon

/suc-khoe

Bài đọc nhiều

item