Mệt mỏi và chán nản vì cách đánh giá cuối kỳ bậc Tiểu học

Theo tin Báo giáo dục, giáo viên tranh thủ nhận xét học bạ các em học sinh vào giờ ra chơi, ôm sổ sách về nhà làm thêm đến khuya, còn phụ huynh thì lại… nhàm chán với nhận xét trùng lặp đến mức không buồn ký sổ.


Học sinh bậc tiểu học đã qua một học kỳ không tổ chức chấm điểm, mà thay bằng hình thức nhận xét của giáo viên đối với bài kiểm tra.Ảnh: HẢI NGUYỄN

Trong khi đó, học bạ cuối kỳ theo cuốn mới lại dành tận 2 trang cho mỗi học sinh khiến giáo viên quá tải. Giáo viên mệt mỏi, phụ huynh thì chán nản. Đó là những ghi nhận của Lao Động, sau khi thông tư 30 về đánh giá bậc tiểu học triển khai được một học kỳ.

Tranh thủ mọi lúc để nhận xét...


Áp dụng từ 15.10.2014, thông tư 30 gây chú ý dư luận với việc bỏ chấm điểm HS tiểu học, thay bằng các nhận xét, đánh giá, với mục đích khuyến khích HS cố gắng, xóa nhòa ganh đua bằng điểm số. Chủ trương này nhận được sự ủng hộ của nhiều PH và cả GV.

Tuy nhiên, cách tổ chức đánh giá sau một học kỳ vẫn khiến không ít GV đau đầu khi lượng sổ sách phải đánh giá quá lớn, GV ngoài giờ lên lớp phải tranh thủ nhận xét vào giờ ra chơi, hoặc phải mang về nhà làm thêm.

Trong khi đó, những hướng dẫn cụ thể về đánh giá đang có xu hướng chung chung, thậm chí là khá hình thức bởi GV chỉ được phép nhận xét theo hướng động viên khuyến khích HS mà không được nêu ra những khuyết điểm của các trò.

Cô giáo Nguyễn Thị Hải (Trường Tiểu học Hồng Sơn - TP. Vinh) cho biết: GV phải nhận xét 2 trang học bạ cho mỗi HS trong đó nhận xét tất cả môn học khi kết thúc học kỳ I. Chưa kể điểm thi cuối kỳ, GV vừa ghi điểm, vừa ghi nhận xét đối với 9 môn bắt buộc của khối 3 mà cô giáo đang giảng dạy.

“Mỗi tuần chúng tôi dạy 23 tiết, không còn bất kỳ ngày nào trống để dành thời gian nhận xét sổ sách, đành tranh thủ ra chơi hoặc mang về nhà. GV bộ môn như âm nhạc, mỹ thuật… thì còn vất vả hơn vì hầu như phải nhận xét HS cả trường” - cô Hải chia sẻ.

danh-gia-cuoi-ky-bac-tieu-hoc-met-moi-va-chan-nan 2
Lời nhận xét của GV với HS Trường TH Đa Thành (TP.Đà Lạt). Ảnh: D.H

Cô giáo Thu Hằng ( Trường TH Tô Hiến Thành - Hà Nội), mặc dù không còn bỡ ngỡ với cách đánh giá mới vì trường đã áp dụng thí điểm từ hai năm học nay, song GV lại đang gặp nhiều khó khăn với cách thức nhận xét.

Theo cô giáo, do quy định đặt ra nhận xét cần theo hướng nêu mặt tốt và khuyến khích động viên HS, không được… chê HS vào sổ nên những lời nhận xét dần đi vào lối mòn và rất chung chung.

Cô Hằng nêu thực tế: “Với những HS học lực trung bình hoặc kém, GV còn đưa ra những nhận xét sát sao để các con cố gắng, nhưng với các HS đã học tốt thì nhận xét nhiều khi rất trùng lắp, phụ huynh thấy con mình được khen mãi cũng… chán, nhiều khi còn quên không ký sổ liên lạc”.

Với bất cập này, GV ngoài nhận xét vào sổ còn phải trực tiếp trao đổi với phụ huynh về các nhược điểm của HS để tiện theo dõi.

Không biết con mình mức học cụ thể thế nào để còn nhắc nhở


Trong khi đó, PHHS, việc tiếp nhận những thông tin nhận xét của con từ GV còn khó xử hơn. Một PH có hai con học lớp 1 và lớp 4 Trường TH Nguyễn Công Trứ (P.6, Q.8, TPHCM), nêu: “Bé lớp 1 nhận hai môn văn toán 10 điểm. Còn các môn khác đều có nhận xét. Theo tôi, nhận xét không phản ánh đúng thực lực học của bé, chúng tôi không biết con mình đứng ở đâu trong thứ bậc ở lớp để còn nhắc nhở con học hành, phấn đấu”.

Tuy nhiên, một PH khác có con học lớp 3 Trường TH Q.Gò Vấp (TPHCM) chia sẻ: “Mặc dù sẽ rất vất vả cho cô giáo nhưng tôi đồng tình với việc nhận xét. Sự thay đổi ban đầu bao giờ cũng dễ làm người ta phản ứng. Con tôi và tôi thấy vui vẻ với cách đánh giá học trò bằng lời nhận xét của cô chủ nhiệm”.

Trước những khó khăn trên, nhiều GV đề xuất Bộ GDĐT cần tiếp tục có phương án nhằm giảm việc cho GV hoặc dành riêng một quỹ thời gian nhất định để các GV nhận xét, ghi chép sổ sách, đặc biệt với các giáo viên bộ môn.

Không ngần ngại rằng có thể khối lượng công việc nhận xét sẽ nhiều hơn, nhưng cô giáo Thu Hằng kiến nghị: “Riêng về phần đánh giá năng lực phẩm chất của HS, nếu chỉ định hướng khen thôi thì rất khó xử cho GV.

Theo tôi cần mạnh dạn đưa ra nhận xét những nhược điểm, hạn chế để HS và cả phụ huynh HS nắm được thực tế, từ đó có điều chỉnh phù hợp".

Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ GD Trung học (Bộ GDĐT) cũng thừa nhận, khó khăn lớn nhất hiện nay của một số trường là cách thức làm chưa được “mịn” lắm. “Bộ GDĐT đã thống kê hết tất cả các băn khoăn của GV để tiếp tục có những hướng điều chỉnh phù hợp, giảm tải cho GV” - ông Chuẩn nhấn mạnh.

Sau nửa tháng triển khai, Bộ GDĐT đã có những điều chỉnh linh hoạt hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho GV như không bắt buộc phải ghi nhận xét cho tất cả HS, GV dù dạy một hay nhiều môn chỉ cần thiết kế một cuốn sổ chung để quản lý….

Thời gian tới Bộ GDĐT sẽ tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật để GV hiểu đúng và thực hiện tốt thông tư, đồng thời chỉ đạo các trường sử dụng sổ sách, hồ sơ theo tinh thần giảm nhẹ thủ tục hành chính, dành nhiều thời gian để GV tập trung làm tốt việc đánh giá.

Related

Giáo dục 1774150316735507357

Đăng nhận xét

emo-but-icon

/suc-khoe

Bài đọc nhiều

item